Đôi điều về Thương Hải – Phượng Ca

Ba trăm năm trước, “Tây Côn Lôn” Lương Tiêu dẫn theo vợ là Hoa Hiểu Sương viễn tẫu đại dương…

Hai trăm năm trước, Lương Tư Cầm trở về Trung thổ, đánh bại quần hùng, đoạt quyền bính, phục Hán thất, thống nhất Hoa hạ. Dù rằng y oanh oanh liệt liệt, nhưng sau khi “ức nho thuật, hạn hoàng quyền” thì thất bại thảm hại, phải chạy đến Tây Vực ôm hận mà chết. Trước lúc lâm chung, y có lưu lại Tây thành Bát bộ và tám bức hoạch tượng của tổ sư, lại còn di huấn rằng “Bát đồ hợp nhất, thiên hạ vô địch”. Nó trở thành bí mật lớn nhất của Tây thành, và cũng là mầm mống cho sự loạn động sau này.

Bát đồ hợp nhất sẽ thành cái gì? Tài bảo? Võ công? Học vấn? Hay thần binh? Hai trăm năm sau, bí mật động trời đó từ từ khai mở. Cái gì là tuyệt đại tôn sư, thiếu niên thiên tài, lục đại kiếp nô, bát đại cao thủ? Những nhân vật đó từ từ hiện thân trong cuộc chinh chiến trùng trùng và đầy tráng lệ…

Truyện được Phượng Ca, được xem là một trong năm đại tác gia hàng đầu thuộc thế hệ mới của Trung Quốc đại lục, sáng tác. Phương Ca tên là Hướng Kỳ Cương, sinh 1977 ở Cổ thành Quỳ Châu, Trùng Khánh, tốt nghiệp Đại học Tứ Xuyên năm 2002, hiện là Phó tổng biên tập của tạp chí “Kim cổ truyền kỳ – võ hiệp bản”. Tác giả thường khiêm tốn tự nhận mình là tài mọn, viết chưa được dăm ba chữ đã vội xem lại, nhưng đã hoàn thành bộ “Côn Lôn” thật sự xuất sắc, cộng thêm nửa bộ “Mạn Dục Vương Triều” và các truyện ngắn khác, sớm thể hiện được tài cầm bút và sức sáng tác phong phú.

Thương Hải được xem là tác phẩm võ hiệp thứ hai của Phương Ca, tình tiết diễn ra tiếp sau Côn Lôn. Tiếp nối thế giới đã được tạo ra từ Côn Lôn, Phượng Ca đã cấu tứ ra một thế giới kỳ ảo mới thật rộng lớn, có thể được coi là một Sơn Hải kinh hiện đại, “Sơn” chính là Côn Lôn, “Hải” chính là Thương Hải.

Thương Hải là thiên truyện được Phượng Ca tốn rất nhiều công sức và thời gian viết thành, được xem là hơn hẳn Côn Lôn xét về phương pháp mô tả hay những đột phá trong suy nghĩ. Truyện thể hiện một lực tưởng tượng phong phú, lại tráng lệ phi thường. Về mặt giang hồ và võ học, tác giả cũng có sự sáng tạo mới hoàn toàn, không phải là tạo ra chỉ một hay hai chiêu mới của một môn một phái, mà là toàn bộ hệ thống võ học cũng như cục thế và cách sinh hoạt giang hồ.

So với Côn Lôn, sự sáng tạo của Phượng Ca ở Thương Hải cũng đã chuyển từ “ngoại” sang “nội”: Truyện được thêm vào yếu tố huyền ảo, nhiều tình tiết lại được thiết kế trong sự đấu tranh và giằn co giữ suy nghĩ lý tính và bản chất nội tâm của con người. Tất tần tật những điều đó được mô tả rất nghiêm mật, nào là mở màn cho nhân vật, những huyền niệm, những phát hiện mới, rồi những bước đột chuyển…. khiến cho bộ tiểu thuyết võ hiệp này có những bước lui lui tới tới rất nhịp nhàng, khiến người đọc mê mẫn đến nỗi quên cả ngủ. Khác với tiểu thuyết võ hiệp truyền thống, nhân vật trong Thương Hải có được những khả năng siêu cảm quan, vượt khỏi giới hạn vật lý thông thường. Hơn nữa, dù vẫn lấy võ công làm phương tiện, nhưng rất nhiều lần truyện chỉ sử dụng võ công như là thứ để cụ thể hóa một khái niệm trừu tượng nào đó….

Tất cả những cái trên được xem là bước khai phá ra đường hướng viết truyện võ hiệp mới sau một thời gian bị che bóng bởi những cây đa cây đề như Kim Dung, Cổ Long…

Thiền Hoa Tử
Nguồn : Portal Thất Giới Minh

 


Thực ra cái hay và mới của Thương Hải là ở “ẩn mạch”, sáng tạo ra một kiểu “nội công trong nội công”. Trong các tác phẩm võ hiệp thông thường (mà chủ yếu là trường phái của Kim lão gia) thì chỉ đề cập đến nội công – “hiển mạch” (hay “kỳ kinh bát mạch”), còn ở đây Phượng Ca đưa thêm phần lý giải về nguồn gốc của nội công là có được từ “ẩn mạch” (kiểu như tiên thiên chân khí trong các tác phẩm của Huỳnh lão gia là nguồn cho hậu thiên chân khí). Từ đó, Phượng Ca cho rằng người nào khống chế được “ẩn mạch” của mình thì sẽ có một tiềm lực vô cùng phong phú, và người nào có thể khống chế được “ẩn mạch” của người khác thì sẽ chi phối được người đó (kiếp nô – Hắc Thiên Thư).
Cũng xin nói thêm, thực ra “ẩn mạch” được xây dựng dựa trên cái gọi là “giác quan” của con người, do đó mới có dính dáng đến mắt, tay (xúc giác), vị giác,…

Mặc dù Thương Hải được coi là Hậu Côn Luân, nhưng không nhất thiết phải đọc Côn Luân trước thì mới hiểu được Thương Hải. Hai truyện này chỉ cùng giống nhau là diễn ra trong một thế giới chung (cũng có Tây Thành, Đông Đảo,…)

Địa Võng

 

1. Thương Hải là tác phẩm kiếm hiệp lớn thứ hai của Phượng Ca, theo đệ trong Côn Lôn tác giả còn ảnh hưởng rất lớn bởi Kim Dung, nhưng sang đến Thương Hải thì đã thoát được cái bóng của Kim Dung, ta không còn nhận thấy bóng dáng rõ ràng của Kim Dung trong đó.

2. Về võ công thì trong Thương Hải, tác giả đã sáng tạo ra ‘ẩn mạch’, sau đó là võ công Hắc Thiên Kiếp mấy trăm năm không ai phá giải nổi. Trong Thương Hải còn có Chu Lưu Lục Hư tung hoành mấy trăm năm không gặp đối thủ, đến tận khi kết thúc truyện mới bị đánh bại.

3. Về tình cảm, thì cá nhân tại hạ thấy thích tình yêu của Lục Tiệm với Diêu Tình, đó là tình cảm thanh mai trúc mã, cũng đã trải qua nhiều sóng gió. Trong truyện của Phượng Ca nổi bật nên là phong cách ‘tình yêu chung thủy’ và ‘một chàng một nàng’ (giống Kim Dung quá!), trong truyện cũng có không ít người vì chữ tình mà mất mạng, oan khuất của Cốc Chẩn cũng là do một chữ tình đó thôi.

4. Về một số điểm tại hạ (quan điểm cá nhân) cảm thấy không thích ở Thương Hải: tác giả trong nhiều tình huống ‘giết’ nhân vật quá dễ dàng, có nhân vật xuất hiện khá nhiều trong truyện, có ảnh hưởng tương đối lớn đến nội dung của truyện trong một đoạn dài, nhưng kết cục là tác giả chỉ cho chết vì đi gây sự với người khác, cũng không nói rõ chết như thế nào, không thiết kế được cái chết hợp lí cho nhân vật này.

Băng Băng Thiên

 


Thương Hải giống như một câu chuyện thần thoại dựa trên cơ sở tri thức nhân loại đương đại.

Bốn “cố sự” Ngư hòa thượng kể cho Lục Tiệm nghe làm nền tảng cho bộ tiểu thuyết này.

1/ Võ khí: Việc chế tạo và thử nghiệm bom nguyên tử
Là thành tựu nghiên cứu của một Trung tâm khoa học-kỷ thuật Thiên Cơ cung, chủ dự án là nhà toán gia thần bí.
Có người đã ví von nữa cuộc đời đầu của Einstein tìm tòi chế tạo ra bom nguyên tử, nữa cuộc đời còn lại là vận động mọi người không sử dụng nó!

2/ Võ công:
Ẩn mạch: Dựa trên nền tảng triết học Duy vật biện chứng, Thuyết âm dương của “Dịch”, Mark thì diễn giải là “Hai mặt đối lập trong một thể thống nhất”.
Theo khái niệm vật lý lượng tử là vật chất và phản vật chất, hạt và phản hạt (Dan Brown đã khai thác rất tuyệt vời vấn đề này trong tác phẩm “Thiên thần và Ác quỷ”).
Hắc thiên kiếp: giống như việc sử dụng chất kích thích (doping) của các vận động viên thể thao. Đã dùng chất kích thích thì sẽ trở thành “con nghiện”, đã nghiện thì phải chịu kiếp làm Nô.

3/ Tây Thành:
Ức Nho thuật: phát triển đất nước trên nền tảng phát triển khoa học-kỷ thuật.
Hạn Hoàng quyền: Tư pháp độc lập với Hành pháp, điều này chưa hề có trong xã hội Trung quốc.
Phân chia Bát bộ: Ngày nay, mật mã khởi động chương trình phát hỏa võ khí “hột nhưn” cũng được chia cho nhiều người nắm giữ, trước mắt tránh được cái họa diệt vong vì một, hai kẻ điên nào đó!

4/ Ngư hòa thượng:
Điển hình của một “Phật hiệp”, một câu chuyện đau lòng của cái Thiện bị vùi dập trong xã hội đầy tranh đoạt của các Ác ma.
Hòa thượng mất đi chỉ để lại ba đạo cấm chế lửa dục, và mười sáu hình tướng (giống công phu Yoga) trong con người Lục Tiệm như một ký thác cuối cùng!

Càng thấy rõ hơn dụng tâm của tác giả qua trận chiến giữa bướm giấy của Tả Phi Khanh và vảy cá của Thi Diệu Diệu, một trận chiến đẹp như trong tiên cảnh nhưng vẫn không quên giải thích bằng các hiện tượng vật lý: bướm mượn theo sức gió, vảy cá dựa vào lực từ trường của quả đất!

Tác giả có biệt tài phủ lên các định luật khô khan một lớp màu mê hoặc của thần thoại.

Tại sao các thần thoại: Đam San, Nữ Oa, Odyssey… có thể tồn tại vượt thời gian cho tới tận ngày nay? Phải chăng do nó hàm chứa tính “người” với triết lý sâu xa nào đó? Không có nó, e rằng thần thoại chỉ là những câu chuyện nhảm nhí để lòe bịp con trẻ, không hơn gì những câu chuyện “hải hành” của Lục Đại Hải.

Thương Hải có những tính chất đó không? Một tác phẩm thật sự hay cũng chỉ là một câu chuyện nhảm nhí?

Khô Trúc
Nguồn: Tụ Kiếm Lâm

 

Bình luận về bài viết này